Đề 1 bài làm văn số 6 lớp 12 trang 68 sgk: Những đứa con trong gia đình...

Đề 1: Bài viết làm văn số 6 -  nghị luận văn học - văn 12 tập 2 trang 68 sgk

Trong truyện Những đứa con trong gia đình, Nguyễn Thi có nêu lên quan điểm: Chuyện gia đình cũng dài như sông, mỗi thế hệ phải ghi vào một khúc. Rồi trăm con sông của gia đình lại cùng đổ về một biển, "mà biển thì rộng lắm…, rộng bằng cả nước ta và ra ngoài cả nước ta".

Anh(chị)có cho rằng trong thiên truyện của Nguyễn Thi quả đã có 1 dòng sông truyền thống liên tục chảy từ những lớp người đi trước: tổ tiên, ông cha, cho đến lớp người đi sau : chị em Chiến và Việt.

Bài Làm:

Trong vô sống những tình cảm tồn tại trên đời có lẽ tình cảm gia đình chính là thứ đáng quý và đáng ngợi ca nhất. Trong tác phẩm “Những đứa con trong gia đình” tác giả Nguyễn Thi đã khắc họa thành công không chỉ một dòng sông “ngọt nước, giàu phù sa” nuôi nấng “ruộng vườn mát mẻ”. Mà nó còn là một dòng  sông truyền thống gia đình bất tận chảy hết từ thế hệ này đến thế hệ khác. Để rồi con sông đó lại đổ về biển lớn “mà biển thì rộng lắm... rộng bằng cả nước ra và ra ngoài cả nước ta”.

Xuyên suốt trong tác phẩm của mình nhà văn Nguyễn Thi đã xâ dựng nên một dòng sôgn chảy xuyên suốt. Dòng sông ấy không phải là dòng sông tự nhiên nặng phù sa mà nó chính là dòng chảy truyền thống của gia đình mà mỗi thế hệ chính là một khúc để rồi được ghi lại vào đó. Chị em Chiến và Việt chính là một phần của khúc sông ấy.

Không chỉ là sự tiếp nối về huyết thống máu mủ ruột rà “dòng sông” mà Nguyễn Thi nhắc đến ở đây còn chính là sự tiếp nối giá trị yêu nước chống giặc ngoại xâm trải qua bao thế hệ. Mà chú năm chính là kết tinh của “con sông truyền thống” đó. Chú Năm một người đàn ông Nam Bộ mưu sinh nhờ nghề sông nước, thế nhưng ẩn sâu trong con người lam lũ chất phác thật thà đó là một tâm hồn nhân đạo và đầy triết lí nhân sinh. Tất cả những mong mỏi nỗi niềm khắc khoải đó đều được gửi gắm vào đàn cháu của mình “ráng cho mau lớn. Chừng nào bay trọng trọng rồi tao giao cuốn sổ cho chị em bay”. Hay lời răn đe “ thù cha thù mẹ chưa trả mà bỏ về là chú chặt đầu...”. Cuốn sổ mà chú nhắc đến chính là nơi ghi chép tất cả những nỗi đau của gia đình, đồng thời đó chính là truyền thống yêu nước mà cả gia đình tiếp nối. Lời răn dạy của chú chính là sự truyền nối cho khúc “hạ lưu” của gia đình, nó gửi gắm tất cả những tình yêu thương, sự kì vọng vào thế hệ nối tiếp sau này. Những nét chữ cọng cọng của chú trong cuốn sổ viết về sự hi sinh của ông, của tía Việt,.... như một nhân chứng sống tố cáo tội ác tàn bạo của giặc.

Bên cạnh hình ảnh chú Năm thì mẹ Việt một khúc sông chảy cùng với chú Năm cũng hiện lên là một người phụ nữ vô cùng chịu thương chịu khó. Dáng mẹ lam lũ lưng áo bà ba đẫm mồ hôi. Mẹ có nét đặc trưng của người phụ nữ Nam Bộ tần tảo, cọc cằn nhưng lại yêu chồng thương con hết mực. Mẹ Việt cũng thừa hưởng cái “dạn” từ ba. Chồng bị chặt đầu mẹ cắp cái rổ đi đòi đầu chồng, tay thì bế thằng con Út và theo sau là lũ con nhỏ. Mẹ cũng yêu thương các con hết mực chăm chút các con từ bữa ăn đến giấc ngủ dõi theo con cả những cách con làm như những dòng sông ngày ngày bồi đắp phù sa vào đồng ruộng hết năm này qua tháng nọ vậy. Đến đây ta lại thoáng nhớ đến hình ảnh của Chị Dậu trong Tắt đèn của Ngô Tất Tố hay hình ảnh chị Út Tịch trong Người mẹ cầm súng. Hình ảnh mẹ Việt phải chăng chính là hình tượng phụ nữ hoàn hảo của cả hai con người kia gộp lại. Vừa có nét kiên trinh can đảm lại rất mực dịu dàng và đậm bản chất phụ nữ Việt Nam. Hình ảnh mẹ chính là sự phản chiếu của những người phụ nữ thời bấy giờ: kiên cường, bất khuất, trung hậu, đảm đang.

Nếu như mẹ và chú Năm là những khúc sông thượng lưu thì Việt và Chiến là những khúc hạ lưu. Chị Chiến mang những nét đẹp giống như mẹ vậy, không chỉ có vẻ bề ngoài mà đến cả cử chỉ, dáng đi đến cách quan tâm chăm sóc các em của mình. Bên cạnh chị Chiến thì Việt tuy “là một khúc sông nhỏ” hơn vẫn còn nét lộc ngộc của thanh niên mới lớn song ẩn sâu trong đó là một phẩm chất anh hùng thể hiện trong suy nghĩ vô cùng táo bạo của mình. Khi bị thương nặng Việt vẫn cô gắng lên nòng súng để sẵn sàng chiến đấu. Chiến và Việt chính là những khúc sông chứa đựng sức mạnh sứ mệnh đánh giặc vô cùng kiên cường. Nó vượt  xa cả hoài bão của cha mẹ mình. Mẹ Việt mang nỗi thù giết chồng nhưng chưa một lần cầm súng giết giặc còn với hai chị em Chiến Việt tình yêu nước, yêu gia đình đã đúc kết thành một tinh thần vô cùng mạnh mẽ để chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược. 

  Nhà văn Nguyễn Thi đã vô cùng táo bạo khi đưa ra một hình ảnh liên tưởng phong phú. Dòng sông truyền thống gia đình Chiến Việt là đại diện cho vô số những dòng sông khác thời bấy giờ. Và biển cả ở đây chính là tinh thần cách mạng của cả dân tộc đang sục sôi đánh giặc cứu nước. Những khúc sông đó như máu trong cơ thể, nó sẽ còn chảy mãi bất diệt cho đến khi trái tim ngừng đập.