Phân tích tác phẩm Mẹ

Câu hỏi 3. Phân tích tác phẩm Mẹ

Bài Làm:

“Mẹ ơi con đã già rồi con ngồi nhớ mẹ khóc như trẻ con
Mẹ ơi con đã già rồi con ngồi ngớ ngẩn nhớ ngôi nhà xưa

...

Mẹ ơi thế giới mênh mông, mênh mông không bằng nhà mình
Dù cho phú quý vinh quang, vinh quang không bằng có mẹ.”

Đây là những câu hát trong bài hát Mẹ tôi của nhạc sĩ Trần Tiến mà trong số chúng ta chắc hẳn có nhiều người đã từng được nghe. Chủ đề về Mẹ luôn là nguồn cảm hứng sáng tác bất tận cho thơ ca như vậy. Bởi vì mẹ là người sinh ra chúng ta, cho chúng ta được cảm nhận thế giới và yêu chúng ta vô điều kiện. Có rất nhiều bài thơ viết về mẹ, trong số đó không thể không nhắc đến bài thơ “Mẹ” của tác giả Đỗ Trung Lai được in trong tập Đêm sông Cầu, nhà xuất bản Quân đội nhân dân năm 2003. Bài thơ là niềm đau xót khôn nguôi của một người con khi tận mắt chứng kiến mẹ mình ngày một già yếu và không còn khỏe mạnh như trước. 

Tác giả Đỗ Trung Lai không chọn một tên thật hoa mỹ để đặt cho bài thơ, mà chỉ dùng một từ “Mẹ”, có lẽ bởi vì khi viết về mẹ, từ ngữ dù hay như thế nào cũng không thể diễn tả được hết vẻ đẹp của người, chỉ một từ mẹ linh thiêng cũng đã đủ để nói lên tất cả những khó nhọc và tình yêu thương không bao giờ cạn của người phụ nữ đã sinh ra và nuôi lớn chúng ta. Hình ảnh về mẹ đã được tái hiện chân thật nhất qua hai khổ đầu của bài thơ:

“ Lưng mẹ còng rồi

Cau thì vẫn thẳng

Cau-ngọn xanh rờn

Mẹ-đầu bạc trắng

Cau ngày càng cao

Mẹ ngày một thấp

Cau gần với giời

Mẹ thì gần đất!”

Từ xa xưa đến nay, trong truyền thống văn hóa của người Việt, hình ảnh cây cau luôn giữ một vị trí đặc biệt quan trọng, mọi ngày lễ trọng đại đều không thể nào thiếu miếng trầu, quả cau như ngày cưới, ngày giỗ, ngày tết. Nhà thơ Đỗ Trung Lai đã chọn loại cây có ý nghĩa đặc biệt nhưng cũng không kém phần thân thuộc với làng quê Việt Nam như vậy để so sánh với mẹ, bởi vì mẹ cũng như cây cau, có vị trí đặc biệt không gì có thể thay đổi trong lòng con và không ai có thể thân thiết với con hơn mẹ. Tuy có bản chất giống nhau là vậy, nhưng theo thời gian, dường như cây cau và mẹ lại trở nên khác biệt với nhau. Vì lưng mẹ do tuổi già mà ngày một còng đi, còn cau lại “vẫn thẳng”, cau có ngọn “xanh rờn”, như đang ngày một phát triển hơn, mẹ lại “đầu bạc trắng”, biểu hiện của sự lão hóa. Nếu như cau ngày một cao, tràn trề nhựa sống mẹ ngược lại, “ngày một thấp”. Cau cao lớn đến nỗi “gần với trời”, mẹ thì “gần đất”, ở đây, tác giả đã dùng biện pháp nói giảm, nói tránh để chỉ việc mẹ sắp rời xa thế giới này, nghe thật chua xót. Bằng cách sử dụng biện pháp tương phản đối lập cho hai khổ thơ đầu, nhà thơ Đỗ Trung Lai đã mang tới cho người đọc bức tranh về hình ảnh người mẹ chân thật nhất, mẹ tuy vĩ đại đối với con, nhưng suy cho cùng cũng không ai thắng nổi thời gian, người con phải chấp nhận sự thật cay đắng rằng mẹ đang ngày một già yếu, gần đất, xa trời. 

Sau khi tận mắt chứng kiến người mẹ yêu quý của mình đang ngày một rời xa mình, người con đã có những cảm xúc thật đau lòng:

“Ngày con còn bé

Cau mẹ bổ tư

Giờ cau bổ tám

Mẹ còn ngại to! 

Một miếng cau khô

Khô gầy như mẹ

Con nâng trên tay

Không cầm được lệ

Ngẩng hỏi giời vậy

-Sao mẹ ta già?

Không một lời đáp

Mây bay về xa.”

Tại sao lúc nhân vật con nhỏ cau mẹ chỉ cần “bổ tư”, còn giờ “cau bổ tám” mẹ vẫn ngại to? Câu trả lời thật buồn thay, đó là vì giờ mẹ đã già, trở nên móm mém nên không thể dùng những miếng to nữa mà chỉ có thể ăn những miếng bé, cau hay thậm chí thức ăn cũng như vậy. Rồi tác giả lại ví miếng cau khô, “khô gầy như mẹ”, làm nổi bật lên thật rõ nét dáng người khi về già của mẹ, trở thành một người gầy gò, héo mòn vì cả cuộc đời vất vả vì con cái. Có lẽ chính vì vậy mà tác giả đã nâng miếng cau trên tay, không cầm nổi nước mắt vì nhớ tới mẹ mình. Ở đây, nhà thơ Đỗ Trung Lai không dùng từ cầm hay nắm... cho hành động của người con với miếng cau mà lại dùng từ nâng, có ý nghĩa trân trọng, nâng niu và nhẹ nhàng, bởi nhìn miếng cau, người con thấy được hình ảnh mẹ mình ở đó. Khổ thơ cuối cùng, với câu hỏi tu từ “Ngẩng hỏi giời vậy – Sao mẹ ta già?” cho thấy được sự bất lực của người con, muốn giữ mẹ lại ở bên mình, nhưng không thể nên đành hỏi trời cao dù biết trời cao luôn luôn “Không một lời đáp”. Kết lại bài thơ là hình ảnh “Mây bay về xa”, cũng giống như mây, một ngày nào đó , dù không muốn người con cũng phải chứng kiến mẹ mình hòa vào những áng mây trên trời, bay về xa mãi, không còn bên cạnh mình nữa.

- Bài thơ “Mẹ” của tác giả Đỗ Trung Lai với câu từ thật đơn giản nhưng đã chạm được tới trái tim người đọc. Bài thơ đã mang tới những hình ảnh chân thật nhất về người mẹ khi già, cũng như khắc họa thành công tâm trạng đau buồn, bất lực của người con khi chứng kiến người mẹ yêu dấu đang ngày một xa rời mình. Qua bài thơ, tác giả như muốn nhắn nhủ tới người đọc phải biết yêu thương, kính trọng với mẹ của mình khi còn có thể, như câu hát “Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc, đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không?”.