Câu hỏi tự luận mức độ thông hiểu Ngữ văn 7 Kết nối bài 4: Thực hành tiếng việt - Nghĩa của từ, dấu câu, biện pháp tu từ

2.     THÔNG HIỂU (4 câu)

Câu 1: Giải thích các từ sau: tốt bụng, dũng cảm, rực rỡ, nhẹ nhàng.

Câu 2: Giải thích nghĩa của các từ: hoàn hảo, hồi ức, phú ông, phò mã, thịnh nộ, ghẻ lạnh, chứng giám. Cho biết cách dùng để giải thích nghĩa của các từ đó.

Câu 3: Dấu ngoặc kép trong các câu văn sau được dùng để là gì?

  1. Sau khi đến được ba ngày, anh hỏi tôi: "Anh Dân, anh có biết chữ quốc ngữ không?". Tôi hơi thẹn nhưng trả lời thành thật: "Không, tôi không biết".
    b. Chế độ ta là chế độ mới, nhân dân ta đang trau dồi đạo đức mới, đạo đức xã hội chủ nghĩa của những người lao động "ta vì mọi người, mọi người vì ta".

(Hồ Chí Minh)

  1. Chúng đề xướng nào là văn nghệ "chủ quan", "viễn kiến", nào là triết lí "duy linh"…

Câu 4: Tìm và phân tích biện pháp tu từ hoán dụ trong đọan thơ sau:

“Áo nâu cùng với áo xanh

Nông thôn cùng với thị thành đứng lên”

Bài Làm:

Câu 1:

  • tốt bụng: có lòng tốt, hay thương người và sẵn sàng giúp đỡ người khác
  • dũng cảm: có dũng khí, dám đương đầu với khó khăn và nguy hiểm
  • rực rỡ: có màu sắc tươi sáng đẹp đẽ và nổi bật hẳn lên, làm cho ai cũng phải chú ý
  • nhẹ nhàng: có cảm giác khoan khoái, dễ chịu vì không vướng bận gì

Câu 2:

- Giải thích:

  • hoàn hảo: tốt đẹp về mọi mặt
  • hồi ức: nhớ lại điều bản thân đã trải qua
  • phú ông: người đàn ông giàu có trong làng (xã hội cũ)
  • phò mã: con rể của vua
  • thịnh nộ: nổi giận, giận dữ cao độ
  • ghẻ lạnh: thờ ơ, xa lánh
  • chứng giám: soi xét, làm chứng cho

- Cách dùng để giải thích:

  • Trình bày khái niệm mà từ biểu thị: hoàn hảo, hồi ức, phú ông, phò mã
  • Đưa ra những từ đồng nghĩa với từ cần giải thích: thịnh nộ, ghẻ lạnh, chứng giám

Câu 3:

  1. Dấu ngoặc kép được dùng để đánh dấu ranh giới của một lời nói được thuật lại trực tiếp
  2. Dấu ngoặc kép được dùng để thuật lại một danh ngôn, một khẩu hiệu
  3. Dấu ngoặc kép được dùng để thể hiện thái độ mỉa mai

Câu 4:

- Biện pháp hoán dụ: áo nâu (chỉ người nông dân), áo xanh (chỉ người công nhân), nông thôn (chỉ những người ở nông thôn), thị thành (chỉ những người sống ở thành thị)

=> Các từ trên được dùng để biểu thị những đối tượng có mối quan hệ gần gũi với nó

- Tác dụng: Nêu được đặc điểm riêng phổ biến về trang phục của người nông dân, công nhân nước ta. Thể hiện sự quan sát, miêu tả cụ thể, gần gũi ý nói: Các tầng lớp, giai cấp đang cùng nhau đứng lên xây dựng đất nước