Khái niệm ngữ cảnh và nghĩa của từ trong ngữ cảnh. Cho ví dụ minh họa.

PHẦN MỞ RỘNG CỦA NGỮ CẢNH VÀ NGHĨA CỦA TỪ TRONG NGỮ CẢNH

Câu hỏi 1. Khái niệm ngữ cảnh và nghĩa của từ trong ngữ cảnh. Cho ví dụ minh họa. 

Bài Làm:

Khái niệm: 

- Ngữ cảnh là yếu tố giúp cho câu nói trở nên cụ thể, khiến người nghe, người đọc có thể dễ dàng xác định được nhân vật giao tiếp, nội dung giao tiếp, thời gian và không gian giao tiếp. 

- Khi dùng ngôn ngữ để giao tiếp, người ta thường nói ra những câu, những phát ngôn, chứ không phải là những từ rời rạc. Tại đó, các từ kết hợp với nhau theo những quy tắc và chuẩn mực của ngôn ngữ. Cũng trong câu hoặc phát ngôn cụ thể, người ta mới biết được rằng: tại trường hợp, hoàn cảnh cụ thể này, từ có nghĩa gì (tức là nó bộc lộ nghĩa nào trong số các nghĩa của nó). 

+ Đối với người nói (viết): ngữ cảnh là cơ sở của việc dùng từ, đặt câu, kết hợp từ ngữ. 

+ Đối với người nghe (đọc): ngữ cảnh là căn cứ để lĩnh hội từ ngữ, câu văn, hiểu được nội dung, ý nghĩa, mục đích của lời nói. 

Ví dụ: 

Đọc hai dòng thơ sau, chú ý nghĩa của từ thơm: 

Thị thơm thì giấu người thơm 

Chăm làm thì được áo cơm cửa nhà. 

(Lâm Thị Mỹ Dạ, Chuyện cổ nước mình) 

Khi đọc (nghe) chỉ một từ thơm thôi thì ta không thể biết được người viết (nói) muốn dùng nghĩa nào của từ này. Thế nhưng, từng nghĩa một của từ thơm sẽ được xác định nếu ta đặt nó trong ngữ cảnh, xem xét trong sự kết hợp với các từ bên cạnh. Từ thơm trong thị thơm có nghĩa là có mùi hương dễ chịu còn từ thơm trong người thơm lại mang nghĩa là phẩm chất, tốt đẹp, thơm thảo, được mọi người yêu mến, ca ngợi.